In trang
09:04 - 01/04/2014
Khắc phục tình trạng lãng phí trong hoạt động xây dựng
(Xây dựng) - Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Hội thảo về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) vừa diễn ra tại TP HCM chiều 31/3.

(Xây dựng) - Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Hội thảo về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) vừa diễn ra tại TP HCM chiều 31/3.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đổi mới phương thức quản lý và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước. Dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo phương thức khác nhau.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật đảm bảo dự án phát triển theo đúng quy hoạch và kế hoạch.

Qua đó, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai minh bạch và nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

“Việc tăng cường tiền kiểm, buộc các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng phải nỗ lực nhiều hơn, có trách nhiệm cao hơn đối với các hoạt động đầu tư xây dựng nói riêng và đối với nhân dân nói chung.

Nhưng các cơ quan này không buộc mình phải thực hiện tất cả các hoạt động trong quá trình tiền kiểm, mà có thể kiểm soát được chất lượng thông qua việc kiểm soát trực tiếp việc sử dụng năng lực của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Do đó có thể tránh được tình trạng quá tải của các cơ quan này, khắc phục tình trạng thông đồng trong thiết kế để nâng giá, nâng khống khối lượng, giải pháp thiết kế không hiệu quả, áp dụng định mức sai… làm cho quá trình đầu tư gặp khó, chậm trễ và khắc phục tình trạng thất thoát, tham nhũng, chất lượng công trình kém…

Đổi mới công tác quản lý dự án theo chuyên ngành và theo khu vực nhưng tập trung vào một ban quản lý dự án để khắc phục tình trạng gia tăng về số lượng ban quản lý dự án nhưng hạn chế về năng lực và tính chuyên nghiệp. Ban quản lý dự án này tồn tại lâu dài và có trách nhiệm với dự án, công trình…”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm trước khi dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) được đưa trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XIII thì đã có trên 30 lần sửa chữa bổ sung để Luật phù hợp với thực tế, đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch và kế hoạch.

Đồng thời Luật cũng quán triệt quan điểm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường vai trò quản lý nhà nước. Bên cạnh đó luật cũng kế thừa, phát huy và nhất quán với các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng ở nước ta từ trước tới nay.

Góp ý cho dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), ông Trương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Cty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân cho rằng: Để bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư, của khách hàng thì cần bắt buộc mua bảo hiểm trong lĩnh vực xây dựng thay vì khuyến khích mua như dự thảo Luật quy định. Bắt buộc mua bảo hiểm công trình xây dựng thì người dân rất có lợi, người dân sẽ không còn tranh chấp khi căn hộ xảy ra sự cố như mất điện, nước… mà chỉ có bảo hiểm tới xử lý.

Điều này bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, người sử dụng. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bổ sung vào Điều 11 của Dự thảo Luật.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP HCM cho biết: Bắt buộc mua bảo hiểm xây dựng là điều cần thiết và cũng cần có danh mục những công trình bắt buộc phải có bảo hiểm xây dựng; để thúc đẩy phát triển nhanh hơn loại hình nhà ở xã hội thì thủ tục cấp phép xây dựng cho loại nhà này cần đơn giản hơn nữa thì mọi người dân mới có cơ hội có chỗ ở đảm bảo.

Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn Đại biêu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng: Trách nhiệm quản lý Nhà nước cần có sự thống nhất giữa các căn cứ tới công tác quản lý nhà nước. Quản lý quy hoạch, triển khai quy hoạch và cấp phép xây dựng phải phù hợp với mục đích sử dụng đất, theo quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt.

Liên quan đến vấn đề lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng, đại diện Cty Phú Mỹ Hưng đề xuất: Đối với những dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 trước khi luật quy hoạch đô thị ban hành khi lấy ý kiến cư dân đối với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì chỉ lấy ký kiến ở những phần bổ sung mà quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 chưa làm rõ (để không làm thay đổi thiết kế theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000, cũng như giảm thiểu chi phí và thời gian của chủ đầu tư).

Theo ông Trịnh Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh thì các hành vi cấm cần có chế tài cụ thể và ai (?), cơ quan nào là người chịu trách nhiệm (?).

Ông Phương cũng đồng ý với việc cấp phép xây dựng tạm nhưng còn băn khoăn: Hiện nay lộ giới quy hoạch và lộ giới hiện trạng giữa ngành xây dựng và ngành giao thông chưa thống nhất với nhau vì ngành giao thông không đồng ý cho xây dựng tạm.

“Việc ra hạn cấp phép xây dựng thì cần xem xét tới điều kiện an toàn của công trình. Việc này cần phải có người kiểm tra xem công trình có còn đảm bảo chất lượng không và nếu ra hạn thì phải có chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng công trình đó”, ông Phương nhấn mạnh.

Nói về nội dung cấp phép xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Tất cả đều phải xin phép xây dựng để tránh lãng phí khi xây dựng công trình không phát huy được công năng.

Nếu không có giấy phép thì sẽ dẫn tới xây dựng không phép, trái phép, sai quy hoạch. Giấy phép chỉ quy định có đúng chiều cao hay phạm vi đất, màu sắc, chất lượng công trình…

Kết thúc Hội thảo đã có nhiều lượt ý kiến xác đáng đóng góp cho dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) được Ban Soạn xem xét và sửa chữa bổ sung phù hợp trình Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp tới.

Nguồn Báo xây dựng