In trang
08:04 - 28/04/2014
Vật liệu xây dựng và tác dụng chống thấm
Thấm là hiện tượng hút nước, xuyên nước của vật liệu. Tính xuyên nước chủ yếu được dùng cho vật liệu lọc và cho các loại công trình đặc biệt như sân bóng đá… Còn đa số các loại vật liệu xây, ốp lát đều cần khả năng chống thấm. Tùy theo vị trí sử dụng, công năng của vật liệu mà yêu cầu độ hút nước, khả năng chống thấm khác nhau.

Ví dụ là vật liệu xây, ốp lát thì bản thân nó cũng cần độ hút nước nhất định để vữa bám dính. Thông thường, vật liệu xây yêu cầu độ hút nước khoảng 7-8%, với các loại gạch như granit, ceramic thì độ hút nước thấp hơn nhiều và vì vậy yêu cầu kỹ thuật đối với vữa cũng khác.

Trước khi đi sâu phân tích ảnh hưởng của việc thấm tường xây đến chất lượng công trình và chất lượng của môi trường sống, hãy điểm qua một vài nét về ảnh hưởng của việc thấm, hay độ hút nước cao của vật liệu ốp lát, một lĩnh vực mà có lẽ theo nhiều người không cần độ hút nước thấp, không cần quan tâm đến tính chống thấm.

Bức tường bị thấm nước 

Gạch ốp thì chủ yếu là ốp phòng bếp, khu vệ sinh, gạch lát thì lát sàn nhà, khi sử dụng gạch ốp, lát có độ hút nước cao, nước được hút từ không khí, từ môi trường, đối với tầng trệt thì hút từ nền đất. Khi viên gạch lát hoặc ốp hút nước vào thì màu của viên gạch chuyển sang màu thẫm, màu đen thẫm sẽ được phát hiện, nhìn thấy qua lớp men bề mặt và sẽ làm giảm mỹ quan, vẻ đẹp, hoa văn của viên gạch. Khi chọn mua thì gạch có mầu đẹp, trong quá trình sử dụng biến thành màu xỉn. Nếu gạch có độ hút nước lớn thì lớp vữa ốp lát, nơi tiếp giáp với gạch sẽ giảm dần khả năng bám dính, lâu ngày bị mủn ra. Nếu là gạch ốp, dần dà sẽ bị bong ra. Nếu một phòng vệ sinh, phòng bếp được ốp gạch ở tất cả các bức tường, mà gạch có độ hút nước cao dễ làm tăng độ ẩm của phòng, gây nấm mốc, và cảm giác khó chịu.

Đối với gạch xây, nếu là xây tường bao che thì khi sử dụng gạch có độ hút nước cao, lại thấm (xuyên nước cao) thì cần phải sử dụng vữa tốt, vữa chống thấm, sơn chống thấm, như vậy sẽ tăng giá thành. Mua gạch rẻ nhưng chi phí trát và sơn cao, giá thành tăng.

Khi tường bị thấm bề mặt lớp sơn hoặc vôi ve sẽ bị loang lổ, rêu mốc sẽ phát triển, độ ẩm trong phòng sẽ tăng. Mỹ quan của căn phòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không khí có độ ẩm cao, gây khó chịu, bệnh tật. Nếu trên tường treo tranh, đồng hồ hoặc móc treo quần áo đều bị tác động của độ ẩm. Tường thấm thì cần phải sơn lại, thậm chí trát vữa lại, rất tốn kém.

Đối với các bức tường ngăn, không tiếp xúc với mưa, nắng nhưng nếu có độ hút ẩm cao thì sau nhiều năm sử dụng cũng sẽ xuất hiện các hiện tượng làm thay đổi màu sơn, màu sơn xỉn đi, giảm vẻ đẹp, độ ẩm trong phòng cũng tăng lên nhưng ở mức độ thấp hơn so với tường tiếp xúc với ngoài trời. Phòng ở có độ ẩm cao, sẽ là điều kiện cho sự phát triển các loại khuẩn, nấm mốc, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sảng khoái của con người.

Với các tường xây bằng gạch có độ hút ẩm cao thì quá trình hút ẩm diễn ra từ từ, chủ yếu là vào mùa “nồm”, mùa mưa. Có thể sự hút ẩm đó diễn ra sau nhiều năm con người mới cảm nhận được. Tường hút ẩm gặp nhiệt độ cao mùa hè thì nước lại bay hơi, quá trình ẩm - khô, khô - ẩm diễn ra nhiều năm sẽ tạo thành “đường mòn” và gây trương nở cục bộ, gây các vết rạn, nứt rất nhỏ trên bề mặt sơn và vì thế càng về lâu về dài quá trình khô - ẩm diễn ra càng mạnh.

Rõ ràng tác hại của việc sử dụng vật liệu xây có độ hút nước, xuyên nước cao, là rất lớn. Nhiều tác hại mà con người không cảm nhận được mà phải dùng các thiết bị kiểm tra vi khí hậu mới có thể làm sáng tỏ.

Trong các trường hợp mà việc thấm, ướt của bức tường tuy không rõ rệt lắm thì ảnh hưởng của nó cũng rất lớn. Ảnh hưởng trực tiếp là thị giác, và lâu dài là sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng cả đến giấc ngủ say nồng.

Ở nước ta, do mọi người còn phải lo toan nhiều việc lớn, việc sinh tồn hàng ngày, ngành y tế chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống nhưng những điều giản dị xẩy ra hàng ngày như tính thấm ướt của các bức tường xây cũng rất cần quan tâm vì nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Điều này đòi hỏi việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về vật liệu cần phải sâu, kỹ hơn. Nhà sản xuất cũng cần quan tâm đến chất lượng vật liệu hơn nữa, đó là chưa nói đến các tính chất phát xạ của vật liệu; công nghệ xây dựng, các kiến thức, thông tin về vật liệu cũng cần được phổ biến rộng rãi hơn,  dân trí cần nâng cao hơn, sự hiểu biết của người dân, của người thiết kế, của người xây dựng cũng cần được cải thiện từng bước.

Lựa chọn vật liệu không còn là sự lựa chọn theo cảm tính mà cần có am hiểu sâu để công trình xây dựng đạt được những yêu cầu ngày càng cao cho cả hiện tại và lâu dài. 
 
(Theo Tạp chí VLXD)